Trong cơ thể người, hệ xương giữ một vai trò vô cùng quan trọng, giúp các chức năng vận động được phối hợp nhịp nhàng và linh hoạt. Ngoài ra, xương cũng đảm bảo cho các cơ quan khác trong cơ thể không bị tổn thương. Để có một hệ xương chắc khoẻ, tất cả mọi người nên thực hiện những bước thay đổi lành mạnh trong thói quen sống của mình ngay từ sớm.
1. Hệ xương là gì?
Hệ xương là một trong những cơ quan đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người. Xương giúp bảo vệ và hỗ trợ cho tim, não cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.
Hơn nữa, khung xương cơ thể người còn giữ chức năng sản sinh ra các tế bào bạch cầu và hồng cầu, dự trữ chất khoáng cần thiết và giúp duy trì chức năng vận động. Thông thường, cơ thể của một người khỏe mạnh khi sinh ra sẽ có 270 chiếc xương. Trong quá trình tiến hoá, rất nhiều xương sẽ có xu hướng liên kết với nhau.
Khi trưởng thành, con người sẽ có 206 chiếc xương khác nhau, chưa kể đến một lượng lớn các xương ở vùng nhỏ trong cơ thể. Xương lớn nhất thường là xương đùi và xương nhỏ nhất là xương bàn đạp (thuộc phần tai giữa – tham gia dẫn truyền các rung động âm thanh vào tai trong).
2. Hệ xương cơ thể người có cấu trúc như thế nào?
Theo nghiên cứu cho biết, hệ xương cơ thể người được cấu tạo từ 3 phần chính, bao gồm xương đặc (lớp ngoài), xương xốp (lớp trong) và tuỷ xương. Cụ thể:
- Xương đặc: Hay còn được gọi là màng xương, có vai trò bảo vệ cho xương xốp khỏi những tác động chèn ép từ bên ngoài. Trong cơ thể con người, xương đặc chiếm khoảng 80% khối lượng xương. Đặc điểm của loại xương này là chắc, dày và rất cứng.
- Xương xốp: Là lớp bên trong của xương, được hình thành chủ yếu từ sợi xương – một dạng cấu trúc có thể tạo màng. Nhìn chung, xương xốp không dày đặc giống như lớp vỏ xương bên ngoài.
- Tuỷ xương: Còn được gọi là mô tuỷ, chủ yếu có trong các loại xương chứa mô xương xốp. Ở trẻ nhỏ, hầu hết các loại xương đều có tuỷ đỏ, khi lớn lên, loại tuỷ xương này sẽ chuyển thành màu vàng hoặc tuỷ béo. Ở người trưởng thành, tủy xương đỏ thường có trong các loại xương như đốt sống, xương sườn, xương đùi và xương chậu.
Ngoài ra, hệ xương cơ thể người còn bao gồm:
- Xương tái hấp thu các tế bào huỷ xương.
- Xương hình thành nên các tế bào xương và nguyên bào tạo xương.
- Khung xương chứa các loại protein (không phải collagen) và chất khoáng.
- Khung xương có các muối khoáng vô cơ lắng đọng.
3. Chức năng của hệ xương cơ thể người
Hệ xương cơ thể người đóng nhiều vai trò khác nhau, bao gồm:
- Bảo vệ: Xương lồng ngực và xương sọ có tác dụng bảo vệ cho các bộ phận bên trong khỏi bị tổn thương.
- Nâng đỡ: Khung xương cơ thể người giống như một cây cầu liền mạch, liên kết giữa các mô và cơ với nhau.
- Vận động: Nhờ sự kết nối giữa các cơ và xương, cơ thể con người có thể vận động dễ dàng và linh hoạt.
- Dự trữ chất khoáng: Xương giống như một chiếc kho, giúp dự trữ lượng phốt pho, canxi và các chất khoáng thiết yếu để cơ thể sử dụng mỗi khi cần đến.
- Dự trữ năng lượng: Trong tế bào mỡ của tuỷ xương vàng thường dự trữ các chất béo để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Sản sinh các tế bào máu: Giúp sản sinh ra những tế bào máu trong tủy đỏ xương.
4. Hệ xương người phát triển như thế nào?
Sự hình thành và phát triển của hệ xương người thường diễn ra qua 2 quá trình sau:
- Hoá xương trong màng xương: Hình thành nên các xương dẹt, bao gồm xương hàm dưới, xương đòn và xương sọ.
- Hoá xương trong cấu trúc sụn: Hình thành nên các xương như xương chày, xương đùi, xương quay và xương cánh tay.
Nhìn chung, các xương dài trong cơ thể sẽ tiếp tục phát triển kích thước, cả chiều rộng và chiều dài, cho đến khi bạn trưởng thành. Sự gia tăng chu vi của thân xương thường bắt nguồn từ sự hình thành của những xương mới ở mặt ngoài của vỏ xương. Trong khi đó, sự gia tăng chiều dài của xương thường xảy ra do các mảng sụn phát triển ở mỗi điểm cuối của xương dài.
5. Cần làm gì để có một hệ xương chắc khỏe?
Một hệ xương chắc khoẻ là tiền đề giúp chất lượng cuộc sống của bạn được nâng cao và ngăn ngừa nhiều nguy cơ bệnh tật khác. Độ cứng chắc của khung xương sẽ được phát triển tốt nhất trong suốt thời thơ ấu cho đến giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành. Theo tuổi tác, mật độ xương sẽ trở nên suy giảm dần. Khi đó, nguy cơ loãng xương sẽ tăng cao nếu không có biện pháp chăm sóc và bảo vệ xương ngay từ sớm.
Tình trạng loãng xương có thể khiến xương trở nên suy yếu, dễ gãy. Để duy trì mật độ xương và ngăn ngừa những vấn đề trên, bạn cần thực hiện một số thay đổi nhỏ trong lối sống dưới đây:
- Bổ sung canxi: Đây là chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của xương. Do đó, cách tốt nhất để cơ thể bạn hấp thụ canxi là bổ sung qua các thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày. Những thực phẩm chứa nhiều canxi, bao gồm sữa chua, sữa, phô mai, các loại đậu, rau xanh lá, đậu nành, cá hồi, cá mòi, tôm,…
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin K2 và D: Vitamin D và K2 đều là những chất giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn để xây dựng một hệ xương chắc khỏe. Những người bị thiếu hụt vitamin D và K2 thường có nguy cơ mất mật độ xương cao hơn so với người khác, từ đó dẫn đến bệnh loãng xương. Vì vậy, trong chế độ ăn uống của mình, bạn nên bổ sung đầy đủ 2 chất này qua các thực phẩm như dưa bắp cải, phô mai, rau xanh.
- Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu axit béo omega-3: Một số nghiên cứu cho biết, axit béo omega-3 có khả năng duy trì mật độ xương rất tốt. Do đó, bạn nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu loại axit béo này trong chế độ dinh dưỡng của mình, bao gồm các loại hạt, cá thu hoặc cá hồi.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giữ trọng lượng cơ thể ở mức cân đối được xem là điều cần thiết cho sức khoẻ của hệ xương người. Theo nghiên cứu, những người bị thiếu cân thường có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, tuy nhiên thừa cân cũng có thể làm tăng thêm áp lực cho xương và các cơ quan khác. Bởi vậy, bạn nên duy trì cân nặng đều đặn (dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI) để đảm bảo khung xương luôn chắc khoẻ và dẻo dai.
- Tránh hút thuốc lá và uống nhiều rượu: Thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng rượu bia có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh loãng xương dẫn đến gãy xương. Do đó, nhằm giúp tăng cường một hệ xương khỏe mạnh, bạn nên từ bỏ thuốc lá và chỉ uống bia rượu ở mức vừa phải, có chừng mực.
Sức khỏe xương khớp là một phần rất quan trọng trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe xương khớp là điều mà mọi người thường ít quan tâm và bỏ qua, vì các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi tình trạng mất xương tiến triển. Thực hiện một chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh có thể giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe.
Chúc bạn có một hệ xương chắc khỏe cùng một sức khỏe thể chất và tinh thần khỏe đẹp từ gốc.
Nguồn: Sưu tầm