Rau chân vịt ngày càng được sử dụng rộng rãi do có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến sỏi thận hoặc làm trầm trọng biểu hiện của bệnh gout…
1. Rau chân vịt chứa chất dinh dưỡng gì?
Rau chân vịt hay còn gọi là rau bina, cải bó xôi, rau nhà chùa.
Trong đông y được gọi là linh chi thảo, hoàng dương thảo, vạn niên tùng… thuộc họ dền. Rau chân vịt ưa khí hậu mát lạnh, ở nước ta được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt.
Một khẩu phần 100 gram (g) rau chân vịt chứa 28,1 miligam (mg) vitamin C, chiếm 34% lượng khuyến nghị hàng ngày của một người.
Ngoài ra, rau chân vịt còn chứa protein, canxi, sắt, magiê, kali, vitamin A, vitamin K, chất xơ, phốt pho và thiamine. Hầu hết lượng calo trong loại rau này đến từ protein và carbohydrate.
Rau chân vịt được chứng minh có tác dụng hỗ trợ nhiều bệnh lý khác nhau như phòng ngừa loãng xương, tiểu đường, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, nâng cao thị lực…
2. Cách sử dụng rau chân vịt giữ nguyên chất dinh dưỡng
ThS. Cynthia Sass, chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng tại Mỹ, cho biết, trong một nghiên cứu của Thụy Điển, rau chân vịt được nấu bằng nhiều phương pháp khác nhau trong tối đa 90 phút. Kết quả cho thấy rau chân vịt nấu càng lâu, mức lutein còn lại càng giảm. Khi chiên ở nhiệt độ cao, một phần lớn lutein bị phân hủy chỉ trong vòng hai phút.
Các nhà khoa học cho biết cách tốt nhất để giữ lượng lutein tối đa trong rau chân vịt là xay sinh tố kết hợp với chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như bơ với mục đích làm cho nhiều lutein được tiết ra từ lá và chất béo làm tăng khả năng hấp thụ chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã xem xét ảnh hưởng của các phương pháp nấu ăn khác nhau đến hàm lượng vitamin trong một số loại rau được chọn, bao gồm rau chân vịt. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc nấu chín làm giảm lượng vitamin K, vitamin E trong rau chân vịt nhưng lại làm tăng hàm lượng vitamin A.
Chính từ các nghiên cứu khoa học trên, việc sử dụng rau chân vịt tốt nhất là kết hợp dùng sống và nấu chín (không nấu quá kỹ).
3. Cảnh giác với các tác dụng không có lợi
Rau chân vịt có hàm lượng oxalat cao, và việc tiêu thụ quá nhiều chúng trong một thời gian có thể dẫn đến hình thành sỏi thận. Vitamin K trong rau chân vịt cũng có thể gây trở ngại cho thuốc làm loãng máu và một số loại thuốc khác.
3.1 Có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận
100g rau chân vịt chứa 970mg oxalat, là hợp chất có thể hình thành sỏi trong cơ thể con người nếu tiêu thụ quá mức. Thông thường, sỏi thận được hình thành do sự gia tăng hàm lượng oxalat trong nước tiểu. Sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi oxalat.
Sử dụng rau chân vịt luộc có thể làm giảm nồng độ oxalat ở một mức độ nào đó. Kết hợp thực phẩm cung cấp canxi (như sữa hoặc phô mai) với rau chân vịt cũng có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi.
Tuy nhiên, tình trạng của mỗi cá nhân là duy nhất và phản ứng có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia về việc có nên bổ sung rau chân vịt vào chế độ ăn uống của mình hay không.
3.2. Có thể can thiệp vào chất làm loãng máu
Rau chân vịt chứa hàm lượng cao vitamin K, một loại khoáng chất làm giảm hiệu quả của thuốc làm loãng máu.
Thuốc làm loãng máu thường được sử dụng để ngăn ngừa sự khởi phát của các cơn đột quỵ. Warfarin là chất làm loãng máu được kê đơn cho những người có nguy cơ hình thành cục máu đông cao. Vitamin K được phát hiện làm giảm hiệu quả của warfarin do vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cục máu đông trong cơ thể.
Tuy nhiên, bạn không nên loại bỏ vitamin K khỏi chế độ ăn uống vì rau chân vịt cũng chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết khác. Vitamin K cũng có một vai trò trong việc ngăn ngừa vôi hóa động mạch, bệnh tim mạch, ung thư và loãng xương .
Thỉnh thoảng ăn rau chân vịt với lượng vừa phải có thể là một lựa chọn an toàn hơn nếu sức khỏe ổn định và không đang trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính.
3.3. Cản trở sự hấp thụ khoáng chất
Có một số nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ thực phẩm giàu oxalat có thể ức chế sự hấp thụ khoáng chất.
Các oxalat trong rau chân vịt cũng có thể cản trở sự hấp thụ các khoáng chất như canxi. Rau chân vịt chứa cả oxalat và canxi, do đó tiêu thụ một lượng lớn có thể làm giảm sự hấp thụ canxi của xương.
Các oxalat trong rau chân vịt cũng có thể phản ứng với sắt và ức chế sự hấp thụ sắt bằng cách hình thành các tinh thể.
Rau chân vịt cũng được cho là làm tổn hại đến chức năng tuyến giáp vì nó chứa một số hợp chất được gọi là goitrogens. Tuy nhiên, nghiên cứu còn lẫn lộn về vấn đề này. Nếu bạn có vấn đề về tuyến giáp, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa rau chân vịt vào chế độ ăn uống.
3.4. Có thể làm trầm trọng thêm bệnh gout
Rau chân vịt có chứa purin, hợp chất hóa học được cho là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Tuy nhiên, thiếu mối liên hệ đáng kể giữa việc ăn các loại rau giàu purin và bệnh gout. Do đó, cần phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Do đó, nếu bạn đang đối phó với bệnh gout, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng rau chân vịt có thể dùng vì màu xanh của lá cũng có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc bạn đang sử dụng.
Hiểu đúng và đủ sâu về các kiến thức dinh dưỡng để có thể chủ động lựa chọn nguồn thực phẩm cùng một chế độ ăn đa dạng, an toàn, giúp cơ thể được cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể các bạn nhé!