Body fat mass là một trong những khái niệm liên quan đến cân nặng. Nhiều người muốn biết rõ hơn body fat mass là gì? Tỷ lệ body fat mass có liên quan gì đến sức khỏe không? Hãy cùng Sbody tìm hiểu kĩ hơn tại đây.
Body Fat Mass là gì?
Body fat mass là chỉ số đánh giá về khối lượng mỡ trong cơ thể. Hay nói cách khác, body fat mass là tỷ trọng mỡ cấu tạo nên cơ thể.
Chúng ta thường đánh giá sức khỏe của bản thân dựa vào trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, đó không phải là phương pháp tốt nhất. Khi muốn xác định nguy cơ mắc bệnh, bạn nên biết tỷ lệ mỡ trong cơ thể của mình là bao nhiêu.
Tỷ lệ body fat mass được đo bằng tỷ lệ phần trăm mỡ so với tổng trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một người nặng 50kg, có lượng mỡ trong cơ thể là 10kg, thì tỷ lệ mỡ trong cơ thể người đó là 20%.
Trong khi đó, chỉ số cơ thể được sử dụng để xác định cơ thể đang ở trạng thái bình thường, suy dinh dưỡng, thừa cân hay béo phì. Chỉ số cơ thể có tên tiếng Anh là Body Mass Index (BMI).
Tỷ lệ body fat mass như thế nào là chuẩn?
Tỷ lệ phần trăm chuẩn của khối lượng mỡ trong cơ thể nam giới và nữ giới hoàn toàn khác nhau. Điều này được lý giải do cơ thể nữ giới chứa nhiều estrogen hơn và cần nhiều chất béo hơn.
Chất béo trong cơ thể là yếu tố cần thiết để bảo vệ các cơ quan nội tạng, dự trữ vitamin, điều hòa nội tiết tố.
1. Tỷ lệ body fat mass ở nữ giới
Body fat mass là gì và tỷ lệ body fat mass của nữ giới ở mức nào là chuẩn? Bạn có thể tham khảo các thông số dưới đây.
• Tỷ lệ body fat mass trên ngưỡng 32%: Đây là dấu hiệu cơ thể đang thừa cân hoặc béo phì. Hàm lượng mỡ thừa này liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ.
• Tỷ lệ body fat mass từ 25 – 31%: Đây là dấu hiệu cơ thể đang thừa cân nhẹ. Lúc này, mỡ thừa sẽ xuất hiện ở một vài vị trí như bụng, đùi, mông và có thể không nhìn thấy cơ bắp.
• Tỷ lệ body fat mass từ 21 – 24%: Tỷ lệ cơ thể ở mức bình thường. Bạn đang sở hữu sức khỏe tốt và vóc dáng tương đối. Cơ bắp xuất hiện khá rõ ở phần vai và cánh tay trên. Tuy nhiên, phần bụng vẫn còn mỡ thừa.
• Tỷ lệ body fat mass từ 14 – 20%: Tỷ lệ cơ thể đạt mức tiêu chuẩn, phù hợp với các vận động viên. Thấy rõ cơ bắp ở tay, ngực, lưng và bắp chân. Cơ bụng săn chắc, rõ ràng.
• Tỷ lệ body fat mass từ 10 – 13%: Đây là chỉ số chất béo tối thiểu cần thiết cho sức khỏe và sinh lý. Nếu chỉ số chất béo thấp hơn mức này, bạn có thể gặp các vấn đề về sức khỏe.
Một nghiên cứu khác kết luận rằng lượng mỡ trong cơ thể cũng thay đổi theo độ tuổi. Dưới đây là tỷ lệ body fat mass ở nữ giới theo độ tuổi.
• Từ 20 – 39 tuổi: Tỷ lệ body fat mass chiếm 21 – 32%
• Từ 40 – 59 tuổi: Tỷ lệ body fat mass chiếm 23 – 33%
• Từ 60 – 79 tuổi: Tỷ lệ body fat mass chiếm 24 – 35%
2. Tỷ lệ body fat mass ở nam giới
Tương tự nữ giới, cánh mày râu cũng có bảng tỷ lệ body fat mass để theo dõi khối lượng mỡ trong cơ thể.
• Tỷ lệ body fat mass trên 25%: Khi cơ thể có tỷ lệ body fat mass ở mức này, bạn có nguy cơ mắc chứng thừa cân hoặc béo phì. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh như tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp.
• Tỷ lệ body fat mass 18 – 24%: Tỷ lệ mỡ trong cơ thể ở mức trung bình. Phần vai, cánh tay trên thấy rõ cơ bắp. Vùng bụng, mông, đùi có thể vẫn còn mỡ thừa.
• Tỷ lệ body fat mass từ 14 – 17%: Tỷ lệ cơ thể ở mức tương đối. Thấy rõ cơ ngực, cơ lưng và cơ bụng.
• Tỷ lệ body fat mass từ 6 – 13%: Đây là tỷ lệ mỡ lý tưởng, thường thấy ở người tập thể hình hoặc vận động viên. Người bình thường khó có thể sở hữu tỷ lệ body fat mass ở mức này. Cơ tay, ngực, lưng, bụng, bắp chân rõ ràng và săn chắc.
• Tỷ lệ body fat mass từ 2 – 5%: Đây là chỉ số chất béo tối thiểu cần thiết để sinh tồn.
Đồng thời, một nghiên cứu về sự biến động tỷ lệ mỡ cơ thể ở nam giới dựa theo độ tuổi cho thấy kết quả như sau:
• Từ 20 – 39 tuổi: Tỷ lệ body fat mass chiếm 8 – 19%
• Từ 40 – 59 tuổi: Tỷ lệ body fat mass chiếm 11 – 21%
• Từ 60 – 79 tuổi: Tỷ lệ body fat mass chiếm 13 – 24%
Cách tính tỷ lệ body fat mass
Việc xác định lượng mỡ thừa trong cơ thể không phải chỉ dùng cân hay soi gương là tính được. Không có công thức nào có thể tính toán chính xác tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Cách tốt nhất là sử dụng thiết bị đo chuyên dụng tại các phòng khám.
Có nhiều phương pháp để tính tỷ lệ body fat mass. Một người tập gym và một người béo phì có thể cân nặng như nhau. Tuy nhiên, phần trăm chất béo trong cơ thể sẽ khác nhau. Dưới đây là những cách ước lượng tỷ lệ body fat mass mà bạn có thể tham khảo.
1. Dùng thước dây
Dùng thước dây mềm là cách cơ bản để tính tỷ lệ body fat mass. Bạn ghi lại số đo của từng bộ phận. Sau đó, bạn tìm ứng dụng tính body fat mass trực tuyến và điền các số đo vào. Ứng dụng tính tỷ lệ body fat mass trực tuyến có thể giúp bạn ước tính phần trăm mỡ của cơ thể.
2. Dùng thước kẹp
Dùng thước kẹp để đo độ dày nếp gấp da tại một số vị trí nhất định và ước tính lượng mỡ thừa. Mỗi lần đo thường thực hiện ở 3 – 7 vị trí khác nhau trên cơ thể. Vị trí cần đo ở nam giới và nữ giới khác nhau.
Ở nam giới, 3 vị trí cần đo là ngực, bụng, đùi hoặc cơ tam đầu, vùng dưới xương vai, ngực. Nếu đo 7 vị trí thì cần thêm vùng gần nách và vùng dưới bả vai.
Ở nữ giới, 3 vị trí cần đo là cơ tam đầu, vùng trên xương hông, đùi hoặc bụng. Nếu đo 7 vị trí thì cần thêm phần ngực, vùng gần nách và dưới xương bả vai.
3. Dùng cân thủy tĩnh
Dùng phương pháp cân bằng thủy tĩnh để đo lượng mỡ thừa được thực hiện như sau:
• Trước khi thực hiện phương pháp này, bạn nên cố gắng thở mạnh để đẩy hết không khí ra khỏi phổi. Bạn không mặc quần áo và ngồi trên một chiếc ghế chìm trong nước để ghi lại mật độ hay trọng lượng cơ thể. Lúc này, cơ thể bạn cần sử dụng một lực nhất định để không nổi lên trên bề mặt nước.
• Trong quá trình kiểm tra, bạn cũng sẽ được đo trọng lượng cơ thể trên cạn. Kết quả trọng lượng cơ thể trên cạn và dưới nước sẽ dùng để tính tỷ lệ body fat mass.
4. Body fat mass là gì? Tính tỷ lệ body fat mass bằng phương pháp chụp CT hoặc MRI
Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) là hai phương pháp đo tỷ lệ body fat mass chính xác. Các máy này dùng để chụp ảnh mặt cắt ngang cơ thể, có thể đo lượng mỡ bụng. Tuy nhiên, phương pháp này không phổ biến cho mục đích đo lượng mỡ trong cơ thể. Chụp CT và MRI dùng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh.
5. Sử dụng phương pháp DEXA (hấp thụ tia X năng lượng kép)
Phương pháp này sử dụng tia X từ hai nguồn năng lượng khác nhau để ước tính tỷ lệ phần trăm lượng mỡ trong cơ thể.
Trong quá trình thực hiện phương DEXA, bạn nằm ngửa khoảng 10 phút để tia X quét qua người. Kết quả sẽ cho thấy khối lượng nạc và mỡ trên cơ thể.
DEXA là phương pháp được sử dụng trong đánh giá mật độ xương, cung cấp các thông tin chi tiết về cấu trúc xương.
Ảnh hưởng của Body Fat Mass tới sức khoẻ
Tỷ lệ body fat mass quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, cụ thể:
Tỷ lệ body fat mass ở mức quá thấp
Nếu lượng mỡ trong cơ thể ở mức quá thấp có thể gây ra những vấn đề sau:
• Cơ thể bị thiếu hụt các vitamin hòa tan trong chất béo: Tỷ lệ body fat mass ở ngưỡng quá thấp dẫn đến thiếu hụt vitamin A, D, E, K. Đây là những vitamin chỉ hấp thụ vào cơ thể khi có chất béo.
• Tăng nguy cơ mắc một số bệnh: Thiếu hụt chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa và thần kinh.
• Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nữ giới: Tỷ lệ body fat mass ở mức thấp có thể gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
• Các nguy cơ tiềm tàng khác: Cơ thể thiếu hụt chất béo ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, làm giảm chức năng não, suy nhược.
Tỷ lệ body fat mass ở mức quá cao
• Nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch: Tỷ lệ body fat mass cao dẫn đến béo phì. Béo phì là một trong những nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao và các bệnh liên quan đến tim mạch.
• Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý, nội tiết tố: Béo phì gây giảm số lượng tinh trùng, rối loạn cương dương ở nam giới. Bên cạnh đó, nữ giới dư thừa chất béo có thể khiến tăng tiết tố nam. Hiện tượng này gây mọc lông, nổi mụn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Nguồn: Bazzar